Các dạng mỹ phẩm và lợi ích của chúng

  • 19/06/2023 10:05
  • 200

Các loại mỹ phẩm phổ biến gồm có sửa rữa mặt, tẩy tế bào chết, nước hoa hồng, lotion, kem, essence, tinh chất, ampoule, mặt nạ,...

  1. Cleanser (Sữa rửa mặt)

Cleanser là tập hợp các sản phẩm có khả năng làm sạch bề mặt da, loại bỏ lớp trang điểm, tế bào chết, dầu thừa, bụi bẩn và các chất gây ô nhiễm từ môi trường. Điều này giúp thông thoáng lỗ chân lông, hạn chế, ngăn ngừa quá trình hình thành mụn, và tăng cường tái tạo, trẻ hóa da. Các sản phẩm làm sạch có khả năng gây khô da, thay đổi pH và điện giải sau khi sử dụng, vì vậy nên dùng kết hợp toner và dưỡng ẩm, để giúp da trở lại trạng thái cân bằng.

Tùy theo mức độ tạo bọt, các cleanser được chia thành 2 nhóm chính:

  • Làm sạch tạo bọt: Các sản phẩm này chứa thành phần tẩy rửa dạng xà phòng và diện hoạt. Với cleanser chứa xà phòng, bản chất là muối của natri, kali và các acid béo như: acid lauric, acid myristic, acid stearic,… có khả năng tạo bọt mịn, làm sạch sâu bên trong lổ chân lông, lấy đi bả nhờn, tế bào da chết, giảm thiểu khả năng sinh mụn do bít tắc, phù hợp cho da dầu mụn. Tuy nhiên, làm sạch tạo bọt dạng xà phòng thường có pH rất cao (8,5 - 9), dễ gây khô căng, kích ứng, bong tróc da nên cân nhắc chỉ dùng cho da mụn, đổ nhiều dầu, kết hợp toner để cân bằng da sau khi rửa. Với cleanser tạo bọt chứa chất diện hoạt, tùy loại (diện hoạt anion, cation, amphoteric, nonionic) và nồng độ sử dụng, mà hiệu quả làm sạch và kích ứng sẽ thay đổi theo quy luật: làm sạch càng sâu, nguy cơ kích ứng càng nâng cao, do đó cần điều chỉnh, bào chế dạng cleanser phù hợp tùy từng loại da (dầu, bình thường, khô), nhu cầu trị liệu (mụn/ làm sạch thông thường).
  • Làm sạch không bọt: dạng cleanser này chứa hàm lượng cao các thành phần dầu kết hợp một ít chất nhũ hóa nhẹ, để nhẹ nhàng loại bỏ thành phần không tan trong nước hiện diện trên da như: lớp trang điểm, bã nhờn. Với dạng bào chế này, sẽ phù hợp cho da khô và nhạy cảm, làm sạch mức độ nhẹ và vừa, giảm thiểu nguy cơ kích ứng cũng như ít gây mất cân bằng pH và điện giải cho da.
     
  1. Exfoliant (Tẩy tế bào chết)

Tẩy tế bào chết là việc loại bỏ tế bào da già cỗi, chết ra khỏi bề mặt da, nhằm thúc đẩy tái tạo da, da sáng khỏe, đều màu, dễ dàng hấp thu dưỡng chất và ngăn ngừa trình trạng bít tắc lỗ chân lông sinh mụn.

Dựa theo cơ chế tác động, tẩy tế bào chết được chia thành 2 loại chính là tẩy da chết vật lý và tẩy da chết hóa học:

  • Tẩy tế bào chết hóa học: Sử dụng phản ứng hóa học để làm yếu đi liên kết giữa các tế bào sừng, tạo điều kiện lấy đi lớp tế bào già cỗi/chết. Các thành phần tẩy tế bào chết hóa học thường gặp như: alpha hydroxy acid (acid glycolic, acid lactic), beta hydroxy acid (như acid salicylic), retinol và các ezyme hữu cơ (bromelain và papain). Tấy tế bào chết hóa học được lựa chọn để kết hợp với điều trị một số vấn đề da như mụn trứng cá, sẹo, lão hóa da, tăng sắc tố.
  • Tẩy tế bào chết vật lý: sử dụng lực cơ học bằng cách dùng dụng cụ (bọt biển, bàn chải mịn), chất mài mòn (cám gạo, bột yến mạch, hạt nhân tạo, hạt silicone…), dạng gel cuộn, để tác động, ma sát và cuốn trôi lớp tế bào già cỗi trên bề mặt. Thông thường được chia thành 2 dạng: hạt và cuộn. Với dạng hạt, động tác lăn tròn trên bề mặt sẽ kích thích tuần hoàn dưới da, phù hợp làn da khô, da thông thường, hạn chế sử dụng với da dầu vì tăng tiết bã nhờn. Với dạng cuộn, dạng dung dịch dễ dàng lan tỏa trên da mặt và đi vào lỗ chân lông, vừa lấy đi tế bào chết và cả bã nhờn, lại không làm tăng tiết dầu, phù hợp cho da dễ sinh mụn, đỗ nhiều dầu.
     
  1. Toner (nước hoa hồng)

Toner là dạng mỹ phẩm được sản xuất với mục đích chính giúp cân bằng, phục hồi pH và điện giải cho da, sau khi dùng sản phẩm làm sạch da mặt, đặt biệt là sửa rữa mặt xà phòng. Sản phẩm giúp da tránh được trình trạng khô căng, kích ứng, cũng như phần nào đó làm sạch dầu thừa, bụi bẫn còn xót lại sau khi rửa mặt. Thành phần toner rất đa dạng, thường có chứa cồn (sát khuẩn, giảm dầu nhờn, se khít lỗ chân lông) hoặc không, các thành phần dưỡng ẩm (glycerin, butylene glycol), chiết xuất tự nhiên làm dịu da (cúc La Mã, trà xanh, nha đam), vitamin và khoáng chất. Hiện nay, các loại toner có thể chứa thêm các phần oxy hóa, sáng da và chống lão hóa để giúp nuôi dưỡng da toàn diện hoặc tập trung hỗ trợ điều trị một số vấn đề về da.
 

  1. Lotion

Lotion là chế phẩm lỏng, bào chế dưới dạng nhũ tương dầu trong nước (D/N), có độ sánh thấp hơn các loại kem và gel. Tùy vào mục đích mà nhá sản xuất hướng đến, lotion có thể dùng để cấp ẩm, làm mềm, dưỡng da, chống nắng, chống lão hóa, sáng da,…

Nhờ hàm lượng nước lớn trong công thức, lotion dễ hấp thụ vào da và ít gây nhờn rít khó chịu. Lotion được sử dụng rất rông rãi, cho nhiều bộ phận khác nhau trong cơ thể như: mặt, tay chân và chăm sóc da toàn thân.
 

  1. Cream (kem)

Kem là chế phẩm rất thông dụng, ở dạng nhũ tương, gồm 2 pha: dầu và nước, được gắn kết bởi chất nhũ hóa, thể chất đặc sánh. Dạng bào chế này giúp kết hợp cả thành phần thân nước và thân dầu vào cùng 1 công thức và tăng khả năng đưa hoạt chất thấm tốt hơn vào bên trong da. Kem được chia thành hai loại:

  • Kem dạng nhũ tương dầu trong nước (D/N), hỗn hợp của dầu và nước với tỷ lệ nước cao hơn, bao gồm các giọt dầu nhỏ được phân tán trong pha nước.
  • Kem dạng nhũ tương nước trong dầu (N/D), hỗn hợp với tỷ lệ dầu cao hơn, bao gồm các giọt nước phân tán trong pha dầu.

Các loại kem dầu trong nước (D/N) thường được ưa chuộng nhiều hơn do chúng ít gây nhờn rít và dễ dàng rữa sạch lại bằng nước. Loại kem này chứa hàm lượng nước cao nên thường có khả năng cấp ẩm cho da tốt hơn, bên cạnh đó dầu trong kem cũng tạo lớp màng hạn chế mất ẩm qua da.

Thành phần trong kem gồm: pha dầu, pha nước và chất nhũ hóa với chỉ số HLB phù hợp. Quá trình sản xuất kem thường thực hiện ở nhiệt độ cao (10-80°C) và để nguội, một số thành phần hoạt tính kém bền nhiệt cần lưu ý cho vào giai đoạn sau để tránh làm hỏng hạt chất.

Kem là sự lựa chọn tốt cho da khô và da thông thường, vì có khả năng dưỡng ẩm tốt và thấm tốt các thành phần hoạt tính. Với da dầu, cần lưu ý lựa chọn kem có thể chất nhẹ, thân nước để tránh gây bí lỗ chân lông, tránh sinh mụn.
 

  1. Essence

Essence (tinh chất) là khái niệm xuất phát từ giới mỹ phẩm làm đẹp Hàn Quốc và được coi là sản phẩm rất quan trọng trong quy trình chăm sóc da của quốc gia này.

Essence được bào chế dạng thân nước, có kết cấu dạng lỏng, hơi sánh, được dùng với mục đích chính là cấp ẩm, giúp da mềm mịn, cải thiện màng bảo vệ tự nhiên trên da và tăng cường hấp thu hoạt chất trên da. Thành phần essence thường chứa hoạt chất cấp ẩm tốt như: glycerin, butylene glycol, hyaluronic acid, cũng như các chiếc xuất tự nhiên. Bên cạnh đó, lượng nhất định các thành phần khóa ẩm cũng có thể được thêm vào công thức như: dimethicone, cyclo-pentasiloxane với mục đích tạo màng phim, ngăn chặn mất ẩm qua da, tạo tác động kép dưỡng ẩm da toàn diện.

Ngoài tác dụng chính dưỡng ẩm, các nhà sản xuất cũng thêm các thành phần khác vào essence với tác dụng làm sáng da, cải thiện nếp nhăn chống lão hóa, chống gốc tự do để tạo tác động nuôi dưỡng và bảo vệ da toàn diện.
 

  1. Serum

Serum (huyết thanh) là sản phẩm chăm sóc da với công thức chống nồng độ cao các thành phần hoạt tính, thấm nhanh, giúp điều trị vấn đề da chuyên sâu như mụn, nám, sạm, nếp nhăn… Serum được điều chế ở dạng lỏng sánh, thường được sử dụng sau lớp làm sạch và cân bằng da. Thành phần gồm 2 phần chính: nhóm tạo độ sánh (hyaluronic acid, carbopol, xanthan gum, acrylat cross copolymer) và các thành phần hoạt tính.
 

  1. Ampoule

Ampoule là khái niệm chỉ dạng bào chế thân nước có độ sánh lớn. So với serum, ampoule chứa nồng độ các thành phần hoạt tính cao hơn, và tập trung trị nhanh hơn các vấn đề da chuyên biệt trong khoảng thời gian nhanh nhất định theo liệu trình. Xét về mức độ tăng dần độ sánh, essence là thấp nhất, kế đến là serum và cao nhất là ampoule.
 

  1. Mask (mặt nạ)

Mặt nạ là dạng mỹ phẩm rất được ưa chuộng hiện nay, được đắp/phủ lên bề mặt da với vai trò cung cấp dưỡng chất thiết yếu, giúp da ẩm mịn, khỏe mạnh. Mặt nạ có rất nhiều loại, đáp ứng nhu cầu làm đẹp đa dạng.
 

Mặt nạ miếng cotton

Đây là mặt nạ phổ thông nhất với nền làm từ sợi catton, có khả năng lưu giữ lượng nhất định dung dịch chứa thành phần dưỡng ẩm, hoạt tính (chống lão hóa, sáng da, se khít lỗ chân lông,…), và phóng thích từ từ vào bên trong da. Mặt nạ đắp lên da trong 15-20 phút, sau đó nếu cần có thể rửa lại với nước mát.

Mặt nạ Biocellulose

Biocellulose là dạng sợi cellulose hữu cơ được sản xuất từ vi khuẩn, còn có tên gọi khác là bacterial cellulose (BC) hoặc microbial cellulose (BC). Một số chủng vi khuẩn được sử dụng để sản xuất sợi biocellulose như: chi Aerobacter, Achromobacter, Agrobacteri-um, Alcaligenes, Zoogloea, Pseudomonas, Rhizobium và Sarcina, mỗi chủng vi khuẩn này sẽ cho hình dạng và kích thước sợi khác nhau. Mặt nạ làm từ sợi bioceellulose kết cấu trong, nhẹ mỏng và mịn, đàn hồi tốt (nhờ tính chất sợi mỏng và chắc), có khả năng lưu giữ tốt các thành phần dưỡng chất và đồng thời nhẹ nhàng ôm khít vào da mặt, cải thiện hấp thu hoạt chất vào bên trong da.

Mặt nạ hydrogel

Mặt nạ hyrogel cấu trúc khung polymer 3D, nước và các thành phần thân nước được hút và giữ bên trong rất nhiều lần trọng lượng gel, nên có khả năng cấp ẩm rất tốt, thường được dùng cho da khô và da nhạy cảm. Kết cấu dạng gel giúp mặt nạ ôm sát, vừa khít và khuôn mặt, tăng hiểu quả thấm hoạt chất vào da.

Mặt nạ bột dẻo

Mặt nạ bột có thể được xem là một trong những dạng mỹ phẩm cổ xưa nhất khi từng được ghi nhận xuất hiện cách đây hàng nghìn năm ở Ai Cập, Roma hay Ayurvedic (Ấn độ). Mặt nạ được sản xuất dưới dạng bột, khi sử dụng sẽ hòa trộn thêm với lượng nước nhất định, tạo thành dạng sệt. Tùy theo lợi ít làm đẹp da mà nhà sản xuất hướng đến, mặt nạ bột dẽo thường chứa các thành dưỡng da như: cấp ẩm, sáng da, se khít lỗ chân lông, chống lão hóa phối hợp tá dược tạo kết cấu “dẻo” (khi thêm nước). Ưu điểm của mặt nạ bột là có thời hạn bảo quản dài và thường chứa ít chất bảo quản hơn so với mặt nạ chứa thành phần lỏng.

Mặt nạ nhiệt cứng

Mặt nạ nhiệt cứng là dạng mặt nạ thiết kế đặc biệt, có khả năng tự gia tăng nhiệt độ sau khi đắp lên da, dựa trên cơ chế sinh nhiệt khi tiếp xúc với nước của thành phần bên trong mặt nạ (zeolite). Thông thường sẽ tăng từ mức nhiệt độ phòng lên khoảng 40°C trong 5 - 10 phút. Mức nhiệt này vừa phải để kích thích gia tăng tuần hoàn ở da, giãn nở mạch máu, lỗ chân lông, tạo điều kiện cho thành phần dưỡng da từ mặt nạ dễ dàng hấp thu sâu vào bên trong da, tăng hiệu quả làm đẹp và trị liệu, đồng thời bã nhờn, bụi bẩn cũng được lấy sạch khỏi lỗ chân lông.

Mặt nạ ngủ

Đây là sản phẩm được thoa lên và giữ suốt đêm trên da, với công dụng chính là dưỡng ẩm, bổ sung dưỡng chất từ từ cho da trong thời gian ngủ. Mặt nạ ngủ thường cấu tạo dạng gel thân nước, thể chất mềm nhẹ, thấm nhanh. Bên cạnh đó, một số thành phần thân dầu như dầu thực vật, dầu khoáng cũng có thể được thêm vào để tạo lớp màng khóa ẩm, tránh mất nước qua da, tạo tác động dưỡng ẩm kép, vừa cấp ẩm vừa khóa ẩm.

Mặt nạ đất sét

Đây là dạng mặt nạ rửa trôi (rinse-off), sau thời gian đắp trên da sẽ được rửa sạch với nước. Thành phần chính là đất sét như: kaolin, đất sét Trung Quốc (china clay), Fuller's earth, smectite (bentonite,hectorite). Mặt nạ đất sét có khả năng thấm hút tốt, giúp lấy sạch dầu thừa, bụi bẩn, đồng thời tạo hiệu ứng se khít lỗ chân lông, thích hợp cho làn da dầu. Màu sắc của mặt nạ thay đối tùy thuộc vào loại đất sét sử dụng, ngoài ra để tạo màng sáng, titan dioxit và kẽm oxit cũng có thể được thêm vào công thức. Bên cạnh đó, một số thành phần phụ trợ như chất nhũ hóa, chất làm mềm, chất tạo đặc (xanthangum, thạch, methylcellulose), dưỡng ẩm và các thành phần hoạt tính cũng có thể được thêm vào mặt nạ đất sét để đáp ứng yêu cầu trị liệu và làm đẹp khác nhau.