Hệ quả của việc sử dụng Filler trong thẩm mỹ

  • 27/06/2019 09:11
  • 2284

Nhiều người biết đến tiêm filler như là giải pháp trẻ hóa da mặt không phẫu thuật nhanh chóng đem lại vẻ đẹp trẻ trung. Filler cũng được các chuyên gia thẩm mỹ trên toàn thế giới công nhận về sự an toàn. Chính vì vậy nó đang rất được ưa chuộng trên thị trường Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, bất cứ can thiệp nào cũng có mặt trái, một số thông tin hữu ích sau đây giúp bạn có sự chọn lựa tốt.

Tiêm filler có tác dụng phụ không?

Câu trả lời là “có” và các phản ứng phụ đó là:

Nhiễm trùng: Quá trình tiêm không đảm bảo vệ sinh sẽ gây nhiễm trùng, làm vết tiêm tấy đỏ, sưng, có thể có mưng mủ. Bác sĩ sẽ chỉ định giải quyết bằng kháng sinh.

Dị ứng với thuốc tiêm: Thường hiếm xảy ra, chỉ khi bạn đến nhầm những trung tâm thẩm mỹ không uy tín, những nơi này nguồn gốc filler không rõ ràng, pha trộn gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc. Vì vậy đừng có ham rẻ mà lựa chọn những nơi này.

Hoại tử mô: Đây là trường hợp tai biến gây ra do chèn ép hoặc bít tắc mạch máu gây ra hoại tử vùng tiêm filler. Một số trường hợp chèn ép hoặc bít tắc làm mù mắt, hoại tử vùng mũi…

Tính thẩm mỹ: Tiêm filler không phải kỹ thuật khó nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo cao và con mắt thẩm mỹ của bác sĩ. Vì mỗi vùng tiêm khác nhau, bác sĩ kinh nghiệm sẽ biết chọn vị trí tiêm, lượng filler khác nhau để đạt hiệu quả cao nhất về thẩm mỹ. Nếu không may, hệ quả bạn nhận được sẽ là cái mũi quá cao, cằm quá nhọn… không phù hợp gương mặt của bạn.

Đóng cục (vón cục): Trường hợp đóng cục hay vón cục trên vùng tiêm vừa mất thẩm mỹ, vừa đau nhức khó chịu và lâu dài còn trở nên nhiễm trùng, thường do sử dụng loại filler không phù hợp với vùng cần tiêm, hoặc người tiến hành tiêm không đúng kỹ thuật.

Các biến chứng khác: còn rất nhiều biến chứng khác xảy ra mà ta không thể lường trước được, ví dụ như dư lượng BDDE hoặc hàm lượng endotoxin trong filler cao, tiêm quá liều hay lạm dụng filler, sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.

Làm thế nào để tránh các biến chứng khi tiêm filler

Rất may, tất cả tác dụng phụ, biến chứng tiêm filler ở trên đều có biện pháp khắc phục. Chỉ cần bạn cẩn thận trong việc lựa chọn:

1. Trung tâm thẩm mỹ được cấp phép hành nghề và đủ điều kiện an toàn, máy móc hiện đại. Tránh xa những nơi quảng cáo giá rẻ.

2. Bác sĩ có bằng cấp chuyên môn, được đào tạo bài bản, kinh nghiệm lâu năm trong nghề để được tư vấn tiêm filler phù hợp và an toàn nhất. Bạn cần tìm hiểu trước qua nhiều nguồn thông tin tham khảo.

3. Filler được cấp phép lưu hành. Chỉ nên đồng ý tiêm khi filler chưa được khui hộp và còn tem bảo hành, giấy tờ chứng nhận chính hãng. Tránh bị tiêm bằng filler giả, không nguồn gốc hiện đang trôi nổi trên thị trường rất nhiều.

4. Bạn cũng không nên lợi dụng quá nhiều trong việc tiêm filler.

5. Bạn tuyệt đối không nên tiêm filler nếu bạn đang trong các tình trạng: da đang bị viêm (phát ban, mề đay, mụn bọc…); Da dị ứng với bất cứ thành phần nào ghi trên nhãn; Bạn bị rối loạn đông máu; Bạn đang mang thai, cho con bú hay dưới 18 tuổi.

6. Chú ý chế độ ăn uống hợp lý, chăm sóc cơ thể, tránh làm ảnh hưởng đến vùng tiêm khi chưa lành.

7. Bác sĩ khuyến cáo bạn không nên xoa bóp vùng da mới tiêm filler, không tiếp xúc nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp (chẳng hạn đi trượt tuyết trong thời tiết giá lạnh hay sử dụng phòng tắm hơi)

8. Bạn cần đi gặp bác sĩ ngay nếu có các vấn đề: sốt, chảy dịch mủ hoặc da viêm, nóng, có vấn đề về thị lực hay khó thở, cảm thấy đau bất thường hay bất kỳ triệu chứng nào khiến bạn lo lắng.

Theo BsCK1. Nguyễn Quốc Huy