Tăng huyết áp, khi nào cần mới phải dùng thuốc ?
- 29/10/2019 10:10
- 1166
Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg. Phần lớn tăng huyết áp ở người trưởng thành là không rõ nguyên nhân ( tăng huyết áp nguyên phát), chỉ có khoảng 10% các trường hợp là có nguyên nhân ( tăng huyết áp thứ phát) từ bệnh thận cấp hoặc mạn tính, hẹp động mạch thận, nhiễm độc thai nghén...
Gần đây tình cờ một người bạn đo huyết áp cho tôi thấy chỉ số huyết áp tăng. Tôi không hiểu lý do vì sao tôi lại bị tăng huyết áp, có khuyên tôi phải dùng thuốc nhưng lại có người bảo chưa nên dùng thuốc vội. Vậy đối với người mới mắc bệnh như tôi thì khi nào mới phải dùng đến thuốc?
Không rõ chỉ số huyết áp của bạn nói cao là bao nhiêu, vì thế tốt nhất bạn nên đi khám để biết được chính xác tình trạng huyết áp của mình. Đối với bệnh tăng huyết áp, nếu thực hiện các biện pháp không dùng thuốc như bỏ hút thuốc lá, điều chỉnh chế độ ăn, tránh stress, giảm cân và tập thể dục... mà vẫn không kiểm soát được huyết áp (huyết áp vẫn không giảm) thì cần phải dùng đến thuốc để kiểm soát huyết áp. Dựa trên tình trạng bệnh bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp.
Khi phải điều trị bằng thuốc bạn cần chú ý: Dùng thuốc liên tục, lâu dài nên bạn phải phối hợp chặt chẽ với thầy thuốc (đặc biệt là thời gian đầu điều trị) và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Bệnh nhân cần tuân thủ điều trị một cách chặt chẽ, không được tự ý bỏ thuốc hay thay đổi thuốc.