Biểu hiện của người suy thận và cách phòng chống

  • 05/11/2019 14:15
  • 1371

Suy thận hay tổn thương thận là tình trạng suy giảm chức năng của thận. Có nhiều nguyên nhân và bệnh lý dẫn đến suy thận. Về thời gian mắc bệnh, người ta thường chia thành hai nhóm bệnh là suy thận cấp (thuật ngữ chuyên môn gọi là tổn thương thận cấp) và suy thận mạn (thuật ngữ chuyên môn gọi là bệnh thận mạn). Suy thận cấp diễn ra trong vòng vài ngày và có thể phục hồi hoàn toàn hoặc một phần chức năng thận sau khi được điều trị thích hợp trong một vài tuần. 

Định nghĩa

Bệnh suy thận là gì?

Thận là hai cơ quan nằm sau lưng hai bên cột sống, ngay phía trên eo. Thận đảm nhận một số chức năng để duy trì sự sống. Thận lọc máu bằng cách loại bỏ chất thải và nước dư thừa, duy trì cân bằng muối và chất điện giải trong máu, giúp điều chỉnh huyết áp. Khi thận bị tổn thương, các chất thải và nước có thể tích tụ trong cơ thể, gây phù ở mắt cá chân, nôn mửa, suy nhược, ngủ kém, và khó thở.

Bệnh thường gặp nhất hiện nay là suy thận mạn, bệnh làm tổn thương cấu trúc của thận trong nhiều năm. Ngoài ra còn có các loại bệnh sau đây:

  • Ung thư thận;
  • Nang thận;
  • Bệnh sỏi thận;
  • Nhiễm trùng.

Tại sao bạn nên quan tâm về bệnh suy thận?

Hầu hết các loại bệnh thận sẽ làm tổn thương các nephron (một đơn vị cấu trúc của thận). Sự tổn thương này có thể khiến thận không thể loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể. Nếu không chữa trị, thận cuối cùng có thể ngừng hoạt động hoàn toàn. Mất chức năng thận rất nghiêm trọng và có khả năng gây tử vong.

Triệu chứng và dấu hiệu

Những triệu chứng và dấu hiệu suy thận là gì?

triệu chứng suy thận

Các dấu hiệu và triệu chứng suy thận phát triển theo thời gian nếu tổn thương thận tiến triển chậm. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:

  • Buồn nôn;
  • Ói mửa;
  • Chán ăn;
  • Mệt mỏi và yếu;
  • Các vấn đề giấc ngủ;
  • Thay đổi lượng nước tiểu;
  • Giảm sút tinh thần;
  • Co giật cơ bắp và chuột rút;
  • Nấc;
  • Sưng bàn chân và mắt cá chân;
  • Ngứa dai dẳng;
  • Đau ngực, nếu tràn dịch màng tim;
  • Khó thở, nếu chất lỏng tích tụ trong phổi;
  • Cao huyết áp rất khó để kiểm soát.

Các dấu hiệu thường không đặc hiệu, có nghĩa là chúng cũng có thể được gây ra bởi các bệnh khác. Vì thận có khả năng bù trừ rất tốt, nên ở giai đoạn đầu, bệnh thường không có triệu chứng. Đến khi xuất hiện triệu chứng thì bệnh đã ở giai đoạn trễ.

Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những biến chứng có thể xảy ra của suy thận là gì?

Suy thận mãn tính có thể ảnh hưởng đến hầu hết các phần của cơ thể của bạn. Những biến chứng có thể xảy đến bao gồm:

  • Giữ nước, có thể dẫn đến phù ở tay và chân, huyết áp cao, hoặc chất dịch trong phổi (phù phổi);
  • Sự gia tăng đột ngột nồng độ kali trong máu (tăng kali máu), mà có thể làm giảm khả năng tim của bạn hoạt động và có thể đe dọa tính mạng;
  • Bệnh tim và mạch máu (bệnh tim mạch);
  • Xương yếu và tăng nguy cơ gãy xương;
  • Thiếu máu;
  • Giảm ham muốn tình dục hoặc bất lực;
  • Tổn thương hệ thần kinh trung ương của bạn, mà có thể gây ra khó tập trung, thay đổi tính cách hoặc co giật;
  • Giảm phản ứng miễn dịch, mà làm cho bạn dễ bị nhiễm trùng hơn;
  • Viêm màng ngoài tim – màng bao phủ ngoài trái tim;
  • Biến chứng trong thai kỳ mang nguy cơ cho người mẹ và thai nhi đang phát triển

Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến suy thận?

Người bị suy thận vẫn có thể tiếp tục sống, làm việc, đi chơi với bạn bè và gia đình, và hoạt động thể chất lành mạnh. Bạn có thể cần phải thực hiện một số thay đổi trong chế độ ăn uống và lối sống để giúp bạn sống một cuộc sống lành mạnh hơn và lâu hơn. Vì đau tim và đột quỵ phổ biến hơn ở những người bị bệnh thận, những thay đổi này là tốt cho trái tim và thận của bạn.

Thay đổi lối sống

Một lối sống lành mạnh rất tốt cho những người bị bệnh thận, đặc biệt là nếu bạn mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, hoặc cả hai. Nói chuyện với chuyên viên dinh dưỡng, bác sĩ chuyên về bệnh tiểu đường, để có lời khuyên hợp lí về chế độ ăn.

Giữ huyết áp đúng mục tiêu bác sĩ đặt ra. Đối với hầu hết mọi người, mục tiêu huyết áp thường là dưới 140/90 mm Hg và ít hơn 2.300 miligam (mg) của natri mỗi ngày.

Nếu bạn bị tiểu đường, hãy kiểm soát nồng độ đường trong máu của bạn. Kiểm soát tốt glucose trong máu có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm biến chứng bệnh tiểu đường, trong đó có suy thận. Giữ cholesterol trong máu của bạn nằm trong phạm vi mục tiêu của bạn. Chế độ ăn uống, vận động, duy trì một trọng lượng khỏe mạnh, và tất cả các loại thuốc có thể giúp kiểm soát mức cholesterol trong máu của bạn.

Nếu bạn dùng thuốc, bạn cần theo chỉ định hướng dẫn của bác sĩ. Nếu bạn hút thuốc, hãy thực hiện các bước để bỏ thuốc lá vì hút thuốc lá có thể làm tổn thương thận nặng hơn. Bên cạnh đó, các hoạt động thể chất sẽ tốt cho huyết áp của bạn, cũng như mức độ glucose và cholesterol trong máu của bạn.

Ngoài ra, thừa cân khiến thận của bạn làm việc vất vả hơn. Vì vậy, lên kế hoạch và thực hiện giảm cân ngay từ bây giờ sẽ giúp thận của bạn khỏe mạnh hơn.

Thay đổi trong chế độ ăn uống

Những gì bạn ăn và uống có thể giúp làm chậm sự phát triển suy thận. Một số thực phẩm có thể tốt hơn cho thận của bạn hơn những loại khác. Hầu hết các muối natri và các chất phụ gia mình ăn đến từ thực phẩm đã chế biến, không phải từ muối tinh. Ăn thức ăn nấu chín cho phép bạn kiểm soát những gì bạn ăn.

Bác sĩ có thể giới thiệu bạn gặp một chuyên gia dinh dưỡng có thể hướng dẫn bạn làm thế nào để lựa chọn những loại thực phẩm tốt, chứa những chất dinh dưỡng quan trọng cho suy thận của bạn.

Đối với suy thận cấp, đôi khi người bệnh cần được chạy thận nhân tạo trong một vài tuần để chờ chức năng thận hồi phục. Việc chạy thận nhân tạo này chỉ là tạm thời nhằm loại bỏ các chất ứ đọng và nước dư thừa ra khỏi cơ thể. Người già và các đối tượng có nhiều bệnh nội khoa, người phải sử dụng nhiều thuốc là những người có nguy cơ cao bị suy thận cấp. Để phòng ngừa suy thận cấp ở những đối tượng nhạy cảm này, người bệnh cần uống đủ nước trong một ngày từ 1,5-2 lít, uống nhiều hơn trong những ngày nóng hoặc vận động ra nhiều mồ hôi. Chú ý là người già nhiều khi cơ chế khát bị suy giảm nên họ thường không cảm thấy khát nước, do đó lượng nước họ uống trong ngày không đủ cho thận hoạt động tốt. Đối với suy thận mạn, triệu chứng bệnh diễn ra âm thầm và chỉ biểu hiện bất thường khi chức năng thận suy giảm rất trầm trọng, nhiều trường hợp chỉ biểu hiện khi suy thận đã đến giai đoạn cuối và lúc này bác sĩ không thể cứu vãn được gì. Để có thể phát hiện sớm bệnh thận mạn, bạn nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm. Các xét nghiệm máu và nước tiểu cơ bản có thể phát hiện ra bất thường ở thận. Nếu bệnh phát hiện sớm, bác sĩ sẽ đề nghị các phương pháp điều trị thích hợp để làm chậm hoặc chặn đứng quá trình suy thận. Điều này rất tốt cho bệnh nhân, vì mặc dù đã có phương pháp điều trị thay thế thận nhưng tiên lượng tử vong rất cao vì những biến chứng tim mạch cũng như rối loạn điện giải, nhiễm trùng.